Một số gợi ý thay thế phần mềm hội nghị trực tuyến Zoom
Đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp, tổ chức triển khai làm việc từ xa với nỗ lực ngăn cản sự lây lan của virus này. Sự cô lập và cách ly này làm gia tăng việc sử dụng các phần mềm hội nghị trực tuyến như Zoom cho công việc và trò chuyện. Tuy nhiên, gần đây Zoom đã vướng phải một số vấn đề về quyền riêng tư cho người dùng và được một số tổ chức, chuyên gia an toàn thông tin khuyến cáo không nên sử dụng và có thể chuyển sang những ứng dụng khác với các chức năng tương tự.
Có rất nhiều dịch vụ trò chuyện video, hội nghị trực tuyến có thể thay thế Zoom. Mỗi dịch vụ đều có ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau, như trò chuyện với gia đình, bạn bè hay kết nối với đồng nghiệp, họp trực tuyến. Dưới đây là các lựa chọn thay thế Zoom tốt nhất cho mục đích họp trực tuyến phục vụ công việc với đầy đủ các chức năng cần thiết.
CloudMERO
Nền tảng: Web, iOS, Android
Chi phí: Trả phí
CloudMERO là giải pháp họp trực tuyến chuyên nghiệp của công ty cổ phần OWS Việt Nam. CloudMERO không tính phí trên mỗi điểm cầu, không cần đầu tư phòng họp đắt tiền và không yêu cầu cài đặt phần mềm. Tuỳ thuộc vào nhu cầu số lượng cuộc họp trực tuyến mà doanh nghiệp có thể lựa chọn các gói giải pháp như MERO 20, MERO 40, MERO 60, MERO 80, MERO Unlimited, để sở hữu từ 01 tới không giới hạn các phòng họp ảo trực tuyến. Với chi phí chỉ từ 900 nghìn đồng/tháng, doanh nghiệp đã có thể họp mọi lúc mọi nơi tại 150 điểm cầu, trên rất nhiều thiết bị khác nhau, tại phòng họp chuyên dụng hay chỉ với một chiếc laptop cá nhân. Công nghệ real-time livestreaming được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây, giúp tối ưu các bài toán về truyền dẫn, đảm bảo chất lượng cuộc họp không hề thua kém ngay chính các giải pháp phần cứng.
Các tính năng của CloudMERO có thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của phòng họp trực tuyến như: mời vào họp, phân quyền thuyết trình, viết bảng, chia sẻ tài liệu, chia sẻ màn hình, nộp báp cáo, nhắn tin, trình chiếu slide, điều khiển mic, camera, quản lý danh bạ, lựa chọn cách hiển thị, đặt phòng họp vật lý,… Độc giả có thể biết thêm chi tiết về sản phẩm tại đây.
Microsoft Teams
Nền tảng: Windows, iOS, Android
Chi phí: Miễn phí, Đăng ký trả phí
Các tổ chức đang tìm kiếm ứng dụng khác để thực hiện cuộc gọi video có thể chuyển sang Microsoft Teams, ứng dụng làm việc nhóm trong tổ chức. Mặc dù có những lựa chọn thay thế tốt hơn khi muốn tạo phòng trò chuyện cho một nhóm nhỏ bạn bè hoặc gia đình, nhưng nếu đó là cho công việc thì Microsoft Teams rất phù hợp cho các cuộc gọi hội nghị, họp hành, chia sẻ tập tin công việc.
Nếu đăng ký trả phí Microsoft Teams, người dùng sẽ được cung cấp nhiều sản phẩm khác của Microsoft như bộ ứng dụng Office 365 bao gồm Word, PowerPoint và Excel và nhiều ứng dụng khác. Đối với các bài diễn thuyết lớn hoặc họp trực tuyến toàn công ty với phạm vi rộng, người dùng có thể sử dụng các công cụ phát sự kiện trực tiếp tích hợp trong Microsoft Teams để chia sẻ màn hình và tổ chức sự kiện mà không phải sử dụng các ứng dụng khác.
Jitsi
Nền tảng: Web, PC, Mac, Linux, iOS, Android
Chi phí: Miễn phí
Jitsi là một dịch vụ hội nghị video miễn phí và an toàn, dành cho những cuộc gọi thực hiện một lần hoặc tập hợp nhiều người, có thể sử dụng trên nhiều loại thiết bị. Dịch vụ hội nghị video mã nguồn mở này có thể hoạt động trên cơ bản bất kỳ nền tảng nào, không yêu cầu tài khoản để có thể tạo các phòng hội nghị được bảo vệ bằng mật khẩu và thực hiện các cuộc gọi được mã hóa. Vì là mã nguồn mở và thân thiện với nhà phát triển, nên phần mềm Jitsi hỗ trợ các dịch vụ hội nghị video khác như 8×8 và Rocket.chat.
Có sẵn nhiều dạng cấu hình cho người dùng cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, người dùng có thể sử dụng dịch vụ web Jitsi Meet để thực hiện cuộc gọi từ trình duyệt, làm việc chung với tài liệu, chia sẻ màn hình và gửi tin nhắn trong phòng trò chuyện.
BigBlueButton
Nền tảng: Web, iOS, Android
Chi phí: Miễn phí
BigBlueButton là một lựa chọn cho giáo viên đang tìm kiếm một phương thức khác, ít tốn kém hơn để kết nối với học sinh và dạy từ xa. Phần mềm hội nghị video nguồn mở này yêu cầu người dùng hoặc quản trị viên thiết lập một máy chủ để sử dụng. Khi máy chủ đã hoạt động, người dùng sẽ có quyền truy cập vào rất nhiều tính năng. Ngoài cuộc gọi video, người dùng có thể tạo thăm dò ý kiến, chia sẻ bảng hoặc màn hình, trò chuyện công khai và riêng tư, hoặc đưa học sinh vào các phòng mới để có thể trò chuyện với nhau về bài tập, đồ án. API của ứng dụng này cũng hỗ trợ tích hợp với nhiều công cụ và dịch vụ dành riêng cho giáo dục, bao gồm Moodle, Schoology và SmartClass. Tất nhiên, giáo viên cần đảm bảo quyền riêng tư và các quy định khác liên quan đến việc trò chuyện trực tuyến với trẻ vị thành niên.
Skype
Nền tảng: Web, Windows, macOS, Linux, iOS, Android, Xbox, Alexa
Chi phí: Miễn phí, Đăng ký trả phí
Skype là một chiến binh kỳ cựu khi nói đến gọi video. Các tính năng như ghi âm cuộc gọi video và âm thanh, phụ đề trực tiếp và chia sẻ tập tin khiến ứng dụng này trở thành một công cụ mạnh mẽ để gọi riêng hoặc gọi nhóm với bạn bè và khách hàng. Người dùng có thể thực hiện cuộc gọi cho những người dùng Skype khác. Nhưng nếu đăng ký Skype to Phone, người dùng có thể thực hiện các cuộc gọi quốc tế không giới hạn đến điện thoại di động và cố định. Thậm chí, ứng dụng này còn cung cấp dịch vụ cuộc gọi hội nghị miễn phí như Zoom, khi người dùng có thể đăng nhập chỉ với một liên kết mà không cần tài khoản.
Skype cũng có sẵn trên các thiết bị thông minh như thiết bị Amazon Echo, vì vậy người dùng có thể thực hiện các cuộc gọi âm thanh hoặc video một cách thoải mái ở bất cứ nơi nào. Nếu có Xbox One và headset, thậm chí người dùng còn có thể thực hiện các cuộc gọi thoại từ chỗ ngồi của mình thông qua điều khiển trò chơi của Microsoft.
EGOVC Jitsi
Nền tảng: Web, PC, Mac, Linux, iOS, Android
Chi phí: Miễn phí
EGOVC Jitsi dựa trên phần mềm hội nghị truyền hình mã nguồn mở Jitsi, chạy trên nhiều hệ điều hành khác nhau, có nhiều tính năng cần thiết cho cuộc họp trực tuyến trên nền Internet. Đây là phần mềm được bảo mật tốt và được tối ưu hơn so với các giải pháp nguồn mở khác.
Ưu điểm của giải pháp EGOVC Jitsi là toàn bộ hệ thống máy chủ nằm ở trong nước, nên các đơn vị, cá nhân khi sử dụng không cần phải kết nối tới các máy chủ nằm ở nước ngoài. Nhờ đó, hệ thống họp trực tuyến hoạt động được ổn định vì không phải kết nối ra kênh Internet quốc tế. Hiện các cơ quan, đơn vị không có sẵn hạ tầng, vẫn có thể khởi tạo phòng họp trên hạ tầng Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp, phục vụ tương đối tốt trong khoảng 10 phòng họp ảo và mỗi phòng họp có quy mô từ 50 – 100 người.
Để sử dụng giải pháp EGOVC Jitsi, các cơ quan, đơn vị có thể truy cập các địa chỉ https://hoptructuyen.aita.gov.vn, https://emeeting.mic.gov.vn và thực hiện hướng dẫn và sử dụng, hệ thống này được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Theo antoanthongtin.vn
Leave a Reply