Việt Nam đi sớm và triển khai nhanh 5G

Việt Nam đi sớm và triển khai nhanh 5G

Đầu năm 2019 các nhà mạng Việt được cấp phép triển khai thử nghiệm mạng 5G, và tháng 5/2019, Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 3 và 4 vừa qua, MobiFone, VNPT lần lượt thử nghiệm thành công mạng 5G.

Với những kết quả này, tại phiên họp lần thứ 32, chiều 8/5, tại Hà Nội, các thành viên Uỷ ban Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) đánh giá Việt Nam đi sớm và triển khai nhanh 5G.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban; Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch Uỷ ban; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó chủ tịch Uỷ ban; Thứ trưởng Phan Tâm, Phó Chủ tịch Uỷ ban. Đại diện Hàng Hải Việt Nam, Cục hàng không Việt Nam, Bộ Tư lệnh phòng không không quân, Tập đoàn VNPT… cũng đã tham dự Hội nghị.

Việt Nam đi sớm và triển khai nhanh 5G - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam đang có những thuận lợi triển khai 5G sớm

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Giai đoạn 2018-2019 được đánh dấu bởi những biến động căn bản trong lĩnh vực thông tin vô tuyến.

Ở quy mô quốc tế là sự ra đời của phiên bản tiêu chuẩn 5G đầu tiên vào tháng 6/2018; Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2019 diễn ra ở Ai Cập với nhiều quyết định quan trọng về tần số cho 5G, thông tin vệ tinh, hàng không, hàng hải. Ở trong nước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/09/2019 về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc.

Đồng hành cùng thế giới, đầu năm 2019 các nhà mạng Việt được cấp phép triển khai thử nghiệm mạng 5G, và tháng 5/2019 đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam,…

Theo nhận định của Bộ trưởng, công nghệ 5G xuất hiện với sứ mệnh tạo dựng nền tảng phục vụ sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số – xã hội số, tiến nhanh vào cuộc CMCN 4.0 và kết nối vạn vật IoT.

Cùng với đó, 5G cũng yêu cầu nhiều phổ tần khác nhau (tần số thấp, dưới 2 GHz; tần số trung bình, 2-6 GHz; và tần số cao, trên 24 GHz) với băng thông lớn (từ 100 MHz đến 1000 MHz) để đáp ứng những kịch bản ứng dụng đa dạng từ di động băng rộng tốc độ cực cao (eMBB) đến kết nối vô tuyến có độ tin cậy cực cao và độ trễ thấp (uRLLC), truyền thông máy với máy số lượng cực lớn (mMTC).

Đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 126 triệu thuê bao di động (có phát sinh lưu lượng), trong đó khoảng 62,5 triệu thuê bao có sử dụng dữ liệu (data) 3G, 4G và khoảng 63,5 triệu thuê bao chỉ sử dụng thoại, tin nhắn (dịch vụ cơ bản). Lượng người dùng data 3G, 4G tại Việt Nam đã tăng mạnh so với cuối năm 2018, với 55,8 triệu thuê bao data 3G, 4G và 75,2 triệu thuê bao cơ bản. Tỉ lệ dân số được phủ sóng di động 4G năm 2019 đạt trên 95,3%.

Theo Bộ trưởng, “Đây là những cơ sở để Việt Nam sớm thực hiện lộ trình tắt sóng dịch vụ 2G/3G để 100% người dân có thể sử dụng dịch vụ băng rộng trên điện thoại thông minh, sẵn sàng cho triển khai chính phủ điện tử.

Năm 2019, quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT được ban hành, và đang gấp rút xây dựng quy hoạch băng tần trong dải tần số trung bình (3,5 GHz, 4,9 GHz) và cao (26 GHz) cho 5G để có thể cấp phép triển khai thương mại trong năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sớm triển khai 5G trên thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng, triển khai 5G tại Việt Nam đang có những thuận lợi khi có các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông khi mà trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Đến tháng 10 tới, Việt Nam thương mại 5G bằng 100% thiết bị Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng.

Việt Nam đi sớm và triển khai nhanh 5G - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Thượng tướng Bùi Văn Nam đánh giá cao Bộ TT&TT rất tích cực chuẩn bị cho thương mại 5G. So sánh với các nước, Việt Nam đi sớm và nhanh trong triển khai 5G. Bộ Công an tích cực ủng hộ.

Sẵn sàng băng tần cho triển khai 5G

Thông tin thêm về công tác xây dựng quy hoạch tần số của Uỷ ban, trong đó có tần số cho 5G, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung, đơn vị thường trực của Uỷ ban, cho biết: Bộ TTTT đã chủ trì, lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban Tần số và hai Tiểu ban, đã hoàn thành và ban hành quy hoạch băng tần 700 MHz.

Việt Nam đi sớm và triển khai nhanh 5G - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung thông tin về quy hoạch băng tần 5G

Bộ TT&TT đã nghiên cứu và xác định vai trò quan trọng của các băng tần 3,3 – 4,2 GHz, 4,4 – 5,0 GHz và 24,25 – 29,5 GHz cho sự phát triển thành công 5G tại Việt Nam.

Mạng 5G triển khai trên các băng tần này sẽ đạt hiệu quả cao khi có độ hài hòa tần số và hệ sinh thái lớn, đảm bảo vùng phủ sóng cho dịch vụ băng rộng tốc độ cao, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số – xã hội số, làm hạ tầng cho cuộc CMCN lần thứ 4 và IoT“, ông Trung cho hay.

Để đảm sử dụng bảo hài hòa tần số của Việt Nam với thế giới, bảo vệ quyền lợi về tần số của Việt Nam, các thành viên của Ủy ban tần số đã thảo luận thống nhất nội dung tham dự Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2019. Đoàn Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như bảo vệ được tần số phục vụ mục đích an ninh, quy hoạch tần số cho IMT của thế giới (26 GHz, 4,9 GHz, 1,5 GHz và 2,1 GHz) góp phần thúc đẩy phát triển IMT.

Chia sẻ thêm thông tin về triển khai 5G trên thế giới, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Trần Mạnh Tuấn cho biết: đến nay trong số hơn 300 mạng 5G thử nghiệm thì băng tần C (3,3 – 4,2GHz) được sử dụng nhiều nhất với 124 mạng thử nghiệm, sau đó đến băng tần 26/28GHz có 18 mạng chiếm 16%.

Thông tin từ Hiệp hội GSA, Hiệp hội GSMA và một số quốc gia cho thấy, các quốc gia khi cấp phép triển khai 5G đều hướng đến các băng tần có khả năng hài hoà cao cho 5G và hệ sinh thái thiết bị mạnh để tận dụng lợi thế quy mô.

Theo ictvietnam.vn

 

Share this post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *