Theo đại diện Bộ Nội vụ, Chỉ số CCHC năm 2019 dành cho các Bộ, ngành được đánh giá theo bộ tiêu chí cấu trúc thành 7 lĩnh vực, 40 tiêu chí, 87 tiêu chí thành phần. Tổng điểm 100, trong đó 37,5 điểm điều tra xã hội học.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu 17 bộ, ngành về Chỉ số CCHC năm 2019. Bộ TT&TT đứng ở vị trí 15. Đứng cuối bảng là Bộ Giao thông vận tải (80,53 điểm).
Theo Bộ Nội vụ đánh giá, kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ ngành tập trung vào 2 nhóm điểm:
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 03 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp
Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y Tế và Bộ Giao thông vận tải.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 Bộ ngành năm 2019 là 85.63%, tăng 2.95% so với năm 2018. Năm 2019 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 thấp nhất (Bộ Giao thông vận tải) là 14.87% (Năm 2018 khoảng cách này là 15.44% và năm 2017 là 20.23%). Điều này cho thấy các Bộ đã có nhiều sự cải thiện về điểm số, phản ánh những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành trong năm vừa qua.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các tỉnh thì Quảng Ninh đứng ở vị trí dẫn đầu, đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh Bến Tre. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2, TPHCM giữ vị trí số 7, Đà Nẵng ở vị trí số 6.
Kết quả CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình là 81,15%, cao nhất trong 4 năm gần đây. Khoảng cách chỉ số CCHC của tỉnh cao nhất là Quảng Ninh (90,09%) với tỉnh thấp nhất là Bến Tre (73,87%) là 16,22%, tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước, 62 tỉnh, thành phố có điểm đánh giá tăng so với năm 2018.
Khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là 2 vùng có giá trị trung bình cao nhất, lần lượt đạt 82,95% và 82,02%, tiếp theo đó là khu vực trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019 (Chỉ số SIPAS 2019), 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng.
Năm 2019, 10 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính ở mức trung bình, 27 tỉnh khá và 6 tỉnh tốt. So sánh năm 2019 với năm 2018, 41/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng, 22/63 tỉnh giảm. So sánh năm 2019 với năm 2018 và 2017, 25/63 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng bền vững qua các năm, 35/63 tỉnh tăng thiếu bền vững và 3/63 tỉnh giảm.
Năm 2019 là năm thứ ba SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc và kết quả Chỉ số SIPAS 2019, tương tự như năm 2018, 2017, tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Leave a Reply