Bộ TT&TT hiệu triệu chuyển đổi số nhanh bằng nền tảng đám mây Việt Nam

Bộ TT&TT hiệu triệu chuyển đổi số nhanh bằng nền tảng đám mây Việt Nam

11 doanh nghiệp Việt Nam cùng bắt tay cung cấp dịch vụ đám mây, chủ động cung cấp hạ tầng số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Tại sự kiện diễn ra sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện nghi thức phát động Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ ĐTĐM Việt Nam.

Bộ TT&TT hiệu triệu chuyển đổi số nhanh bằng nền tảng đám mây Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát động

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam. Thị trường Việt Nam đủ lớn khi Việt Nam có 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số.

“Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng,… không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài”.

Bộ TT&TT hiệu triệu chuyển đổi số nhanh bằng nền tảng đám mây Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Bộ trưởng cho biết: Mỗi tuần Bộ TT&TT sẽ tổ chức ra mắt các hạ tầng, nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Các DN công nghệ số Việt Nam trong đại dịch này phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này.

Được phát triển bởi các DN Việt Nam, các nền tảng ĐTĐM ra mắt hôm nay dựa trên mã nguồn mở, đã đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật của Bộ TT&TT về ĐTĐM.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng ĐTĐM”.

Theo nhận định của Bộ trưởng: “ĐTĐM sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Sự ra mắt của hạ tầng ĐTĐM ngày hôm nay là bước chuẩn bị để đón nhận Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký trong những ngày tới”.

Thị trường ĐTĐM trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hàng năm trên 30% nhưng các DN Việt Nam mới chiếm được 20% thị phần, 80% vẫn là dùng đám mây đặt tại nước ngoài.

Bộ trưởng cho rằng, các DN viễn thông trong nước đã làm chủ được hạ tầng viễn thông. Chúng ta cũng phải cố gắng để làm điều tương tự với hạ tầng số.

Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 DN trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Dịch vụ ĐTĐM đã sẵn sàng đạt chuẩn, các DN có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh.

Cách tốt nhất, theo Bộ trưởng, để phát triển các hạ tầng trong nước là các DN và người dân Việt Nam hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Việc phát triển các công nghệ mới về viễn thông, ĐTĐM, hội nghị truyền hình dựa trên các chuẩn mở, dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng và phù hợp nhất đối với chúng ta. Cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam đang lớn mạnh cùng với cộng đồng mã nguồn mở trên thế giới. Quý III năm 2020, Bộ TT&TT sẽ lần đầu tiên tổ chức đại hội mã nguồn mở Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ, phát triển đất nước, vừa đóng góp cho thế giới cũng như tận dụng tinh hoa của thế giới vào Việt Nam.

Bộ trưởng cũng cho biết: Chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho chúng ta một bài học quý giá. Nếu chúng ta làm chủ các hạ tầng, nền tảng thì sẽ chủ động và hiệu quả trong truyền thông như nhắn tin qua mạng di động, thông báo phòng chống dịch mỗi khi nhấc máy a-lô. Mạng xã hội Việt Nam đưa thông tin phòng chống dịch đầy đủ, trực tiếp đến 75 triệu người.

“Làm chủ các hạ tầng, nền tảng công nghệ cũng cho phép chúng ta phát triển các ứng dụng, các phần mềm phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong các nước có nhiều phần mềm hỗ trợ chống dịch nhất và phát huy rất hiệu quả”.

Cuối cùng, Bộ trưởng chúc mừng các DN Việt Nam hôm nay đã ra mắt chính thức các hạ tầng, nền tảng ĐTĐM của mình và yêu cầu các DN tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đảm bảo ATTT mạng, đặc biệt giá cả phải cạnh tranh trong nước và quốc tế, phải có niềm tự hào về sản phẩm Make in Vietnam.

Tiếp tục công bố DN ĐTĐM đủ tiêu chuẩn

Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) đã công bố bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng ĐTĐM, cụ thể là 69 chỉ tiêu bao gồm các yêu cầu cơ bản về tính năng ATTT, thiết lập cấu hình bảo mật cho nền tảng ĐTĐM: Xác thực, quản trị giao diện, dịch vụ tính toàn, quản lý lưu trữ, máy chủ ảo, mạng, thông tin mật.

Về lộ trình đánh giá đáp ứng các chỉ tiêu ĐTĐM của các DN trong nước, ông Lịch cho biết ngày 6/12/2019, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá giải pháp nền tảng ĐTĐM và Tổ xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật. Ngày 3/4/2020, Bộ TT&TT ban hành Bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng ĐTĐM. Tháng 6 và trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tổ chức đánh giá và công bố danh sách các DN ĐTĐM đáp ứng đủ điều kiện đáp ứng Bộ tiêu chí để các DN, cơ quan nhà nước sử dụng.

DN ĐTĐM tích cực hỗ trợ chuyển đổi số trong nước

Thay mặt cộng đồng DN cung cấp hạ tầng ĐTĐM, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn CMC cho biết: Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các DN cùng nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi và phát triển kinh tế, cũng như với tinh thần biến “nguy” thành “cơ”, việc chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số chính là động lực giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng, đón thời cơ cùng phát triển đất nước.

Bộ TT&TT hiệu triệu chuyển đổi số nhanh bằng nền tảng đám mây Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn CMC

Hạ tầng ĐTĐM là hạ tầng quan trọng bậc nhất trong hạ tầng số, góp phần xây dựng chuyển đổi số thành công và xây dựng chính phủ số, DN số. Ngay từ rất sớm, từ năm 2016, CMC đã bắt tay vào xây dựng nền tảng ĐTĐM và năm 2019 đã chính thức ra mắt hệ sinh thái mở C2OPEN mà trong đó nền tảng của hạ tầng số chính là C-Cloud.

C-Cloud hiện đang dẫn đầu thị trường, có mức tăng trưởng ấn tượng 250%/năm. Tuy vậy, theo ông Chính, một công ty chỉ là một cá thể đơn lẻ khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhưng khi chúng ta biết liên minh lại với nhau, cộng đồng và chia sẻ, cộng hưởng thì chúng ta có sức mạnh vô song.

Tại sự kiện, 11 DN ĐTĐM Việt Nam đã công bố cam kết tham gia chiến dịch, giảm giá 20% cho tất cả khách hàng đăng ký mới dịch vụ ĐTĐM Việt Nam trong thời gian 2 tháng (từ 22/5-22/7) để kích cầu thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các cơ quan, DN chuyển đổi hoạt động lên môi trường mạng.

Share this post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *